Saturday, January 10, 2009

Thương hiệu thành phố và ước mơ đầu năm

Khi đọc lại ”Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhân dịp bút ký đậm chất thơ này được đưa vào sách ngữ văn lớp 12, bỗng nhiên tôi thấy chạnh lòng.

Thành phố nơi tôi đã sống gần nửa đời người cũng có một dòng sông chảy qua nhưng không biết đến bao giờ sông Sài gòn mới được một ai đó viết cho những lời tha thiết như Hòang Phủ đã viết cho sông Hương, dù ai cũng dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của dòng sông này trong lịch sử hơn 300 năm của thành phố. Không chỉ có tàu bè ngược xuôi, sông Saigon cũng có những khúc sông nước trong vắt rọi bóng dừa xanh hai bên bờ, những giề lục bình hoa tím ken lá xanh bập bềnh trôi, dòng sông hiền hòa đã chứng kiến bao biến cố lịch sử, bao thăng trầm của những người dân nơi đây từ thời Gia Định trấn, Thủ đô Sài gòn tới Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

Đi tìm ấn tượng Saigon

Mà không chỉ có dòng sông, dường như thành phố nó chảy qua cũng không ghi được nhiều ấn tượng trong lòng du khách. Những bài hát đáng nhớ về Saigon lẫn thành phố Hồ Chí Minh có lẽ chỉ đếm được trên một bàn tay, phổ biến nhất vẫn là câu hát ”Saigon đẹp lắm, Saigon ơi!” của nhạc sĩ Y Vân. Cho dù có biên khảo ”Saigon năm xưa” của học giả Vương Hồng Sển, ”Bến Nghé xưa” của nhà văn Sơn Nam nhưng nếu phải giới thiệu về thành phố trong một câu ngắn gọn, chắc nhiều người Saigon chính hiệu cũng thấy lúng túng.

Khi gặp những người nước ngoài từng ghé thăm thành phố, tôi hay hỏi họ điều gây ấn tượng mạnh nhất là gì. Các câu trả lời thường giống nhau: xe cộ nhìn muốn chóng mặt, dòng người qua lại như không bao giờ dứt (cũng may chưa nghe họ nhắc tới cảnh ngập lụt hay kẹt xe) và địa đạo Củ chi. Có thể vì thời gian thăm thành phố quá ngắn ngủi, cũng có thể do chúng ta chưa xây dựng được một hình ảnh nào vừa dễ nhớ vừa phù hợp và tương xứng với tầm vóc một thành phố 10 triệu dân, cũng là trung tâm kinh tế, thương mại, giải trí, truyền thông của cả nước.

Nếu Hà nội, Hải Phòng, Huế, Đà lạt, Cần thơ … được gắn liền với những biệt hiệu phản ánh lịch sử hay đặc tính địa phương như Thăng Long – đất rồng bay, thành phố hoa phượng đỏ, đất Thần Kinh, xứ hoa đào, Tây đô…thì thành phố ta vẫn chưa có được một biểu tượng chính thức hay hình ảnh nào rõ rệt cho dù đây là một trong những điều cần thiết để thu hút du khách và khiến người ta dễ nhớ. Không phải ngẫu nhiên mà những thành phố lớn trên thế giới đều có biệt danh như Vienne - thủ đô âm nhạc, Paris – Kinh đô ánh sáng, Thượng Hải – Paris Đông phương, New York – quả táo lớn, Rio de Jainero – thành phố lễ hội, Seoul – Thành phố không bao giờ ngủ … cho dù xuất phát từ quan điểm chủ quan hay thực tế khách quan thì những mỹ từ ấy cũng nghiễm nhiên trở thành ”thương hiệu”.

Gian nan xây dựng thương hiệu

Tuy nhiên thương hiệu của một thành phố không phải bỗng dưng mà có hay do ”tự phong” mà là kết quả của một quá trình xây dựng, phát triển và gìn giữ. Thái lan đã xây dựng thành công thương hiệu ”đất nước của những nụ cười”, tạo được ấn tượng tốt với thế giới cùng xóa đi những hình ảnh của công nghệ du lịch ”4 chữ S” (sun, sand, sea, sex) trong thập niên 70. Đáng nói là hầu như mọi người Thái đều nỗ lực để gìn giữ và phát triển thương hiệu này, nên cho dù Bangkok biểu tình ầm ĩ suốt 7 tháng trời, ngành du lịch Thái vẫn đón được 15 triệu khách trong năm 2008. Hãng lữ hành Hannibal – Marco Polo tại Bắc âu để quảng cáo tua Việt Nam đã dùng hình ảnh một cô gái đội nón lá tươi cười và lời chú thích ”người Việt cũng hay cười như người Thái”, nghe thật buồn!

Trong 10 năm qua thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của công nghiệp du lịch. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ du lịch khi chỉ trừ những nước Phi châu có chiến tranh, hầu như tất cả các quốc gia, dù rộng lớn hay nhỏ bé, giàu có như Mỹ, Canada, Nhật, Đức… hay nghèo như Lào, đều chú trọng phát triển du lịch. Đến như đảo Greenland xa xôi lạnh lẽo cũng tổ chức tua.

Theo tổ chức World Tourism Organization (UNWTO) thì trong 8 tháng đầu năm 2008 số người đi du lịch nước ngoài là 642 triệu, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên do ảnh hưởng của suy thoái tài chính số du khách năm 2009 sẽ không tăng so với năm 2008, du khách cũng có khuynh hướng đi gần hơn hoặc chọn những tuyến nội địa, thời gian lưu lại cũng sẽ ngắn hơn để giảm chi phí. Cạnh tranh giữa các nước xem công nghiệp du lịch là trọng điểm sẽ khốc liệt hơn, thương hiệu của một nước hay một thành phố lại càng giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ.


”Hòn ngọc Viễn đông” khi nào tỏa sáng?
Những năm 50, 60 Saigon đã được mệnh danh là ”Hòn ngọc Viễn đông”. Đáng tiếc là trong những năm 70-80 thành phố đã mất đi vị thế trước đây trong khi Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, nhanh chóng vượt lên trước. Sự phát triển nhanh chóng của thành phố Hồ Chí Minh trong 10 năm trở lại đây trong bối cảnh cả nước đang cố gắng ”vượt vũ môn” để hóa rồng, chính là cơ sở để chúng ta nghĩ đến việc khôi phục và nâng danh hiệu lên thành thương hiệu cho xứng với tầm quan trọng của thành phố đối với cả nước và khu vực. Hẳn sẽ có ý kiến cho rằng ”Hòn ngọc Viễn đông” là chuyện của quá khứ nhưng thành phố nào mà không có sự kế thừa truyền thống, như Hà nội tiếp nối Thăng Long hay Huế từ Phú Xuân mà có.

Cũng như hội họa phải được ngắm từ xa, thành phố trong trí nhớ những người đi xa dường như đẹp hơn, xanh hơn, ít bụi và nắng hơn, dòng sông có vẻ thơ mộng hơn và nhịp sống tất bật, hối hả của thành phố cũng trở nên dễ thương hơn. Cho nên nếu được ước một điều cho năm mới, tôi sẽ ước thành phố với bao nhiêu người thân yêu của tôi sẽ lại có một ngày tự hào với thương hiệu ”Hòn ngọc Viễn đông”.

Viết tại Copenhagen 5/12/2008
Quế Viên

(Doanh nhân Saigon cuối tuần – Xuân Kỷ Sửu)

Thursday, January 1, 2009

Những mùi hương trong miền ký ức


Mỗi khi nói về Hà Nội, người ta hay nhắc tới mùi hoa sữa nồng nàn, nhẹ nhàng hơn thì có mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ; Huế thoảng mùi hoa sen, Đà Lạt có mùi thông thanh khiết.

Chỉ có Sài Gòn chẳng được gắn với một mùi hương nào mà chỉ nghe than là lắm khói nhiều bụi. Nhưng trong miền ký ức của tôi, thành phố nơi tôi lớn lên vẫn đầy những mùi hương.

Ngày bé tôi học ở trường tiểu học gần nhà. Trường không lớn lắm nhưng sân khá rộng, giữa sân có căn nhà hình lục giác, chúng tôi thường gọi là nhà tròn. Sân trường có nhiều cây phượng to, muà hè hoa nở đỏ rực, bọn con gái chúng tôi lấy cánh phượng ép thành con bướm, con trai thì lén trèo cây hái trái phượng làm kiếm đánh nhau.

Nhưng tôi không thích mùi hoa phượng hăng hăng bằng hoa cây sao già trồng quanh trường. Những chùm hoa sao màu vàng nhỏ xinh như hoa ngâu, thoang thoảng thơm, khi nở xòe ra thành những ngôi sao năm cánh bé xíu. Đến mùa, hoa sao rụng đầy trên tóc bọn học trò chơi nhảy dây, lò cò, đánh đáo…trước cổng trường.

Ngôi trường ấy đã trở thành trường cấp I-II từ lâu, sân trường chỉ còn lại nhà tròn và một cây phượng - có lẽ trường học thì không thể thiếu bóng hoa phượng, nhưng những cây sao vàng thì không còn nữa. Giờ ra chơi tôi đi qua trường cũng không thấy các học trò nhỏchơi đùa mà chỉ thấy chúng mải chúi đầu vào một cuốn sách hay một cuốn vở.

Lớn hơn một chút, chiều tối tôi hay cùng các bạn tập chạy xe đạp trên những con đường sau trường học. Trời mát dịu, gió đưa thơm ngan ngát mùi hoa nguyệt quế, ngọc lan, dạ hương…từ những mảnh sân vườn nhỏ. Càng về tối hương hoa càng nồng nhưng chúng tôi không dám chơi lâu, phần sợ về nhà bị mắng, phần vì bị bọn con trai dọa là khuya hay có ma từ bệnh viện Bình Dân...ra chơi, tuy đứa nào cũng thầm mong có ngay được…nhìn thấy ma.

Trong cư xá bây giờ những mảnh sân ngày càng bé lại, những cây ngọc lan, dạ hương phải nhường diện tích cho những ngôi nhà ngày càng to hơn, cao hơn. Thiên nhiên thu gọn lại trong những chậu phong lan treo trên sân thượng các nhà. Chị tôi viết thư thỉnh thoảng lại nhắc đến mấy chậu mai vàng, cây nguyệt quế càng già càng nhiều hoa…như nói đến người trong gia đình.

Trong trí nhớ của tôi Sài Gòn không khét mùi xăng mà thơm mùi lá mát rượi phả từ những hàng cây hai bên đường sau cơn mưa, mùi cỏ ướt sương trong vườn hoa Vạn Xuân, vườn Tào Đàn lúc sáng sớm, mùi bắp nướng người ta hay bán trên vỉa hè mỗi chiều và nhất là mùi mía hấp buổi tối. Ông hàng mía hấp hay đi qua nhà tôi sau giờ cơm tối, trên xe ba gác cắm ngất nghểu hai cây mía, có mùi mía hấp ngọt lịm thay cho lời rao. Mỗi khi ông mở nắp nồi lấy ra một khúc mía đỏ tím, hương mía bay khắp không gian, chỉ mới nghe đã thấy mát tới tận cổ.

Tôi cũng thích ngửi mùi ca phê rang. Đầu đường nhà tôi khi đó có 3 quán cà phê nhưng đông khách nhất là quán ông Năm. Quán khá to, có bảng hiệu cẩn thận nhưng người ta cứ quen gọi là quán ông Năm, còn ông Năm thì được gọi là ông Năm cà phê. Quán bán cả cà phê phin lẫn cà phê lẫn cà phê vợt như những “tiệm nước” của người Hoa. Cứ chiều thứ bảy là thấy ông Năm đặt trước cửa tiệm cái thùng gang hình ống to tướng rang cà phê trên củi cháy đỏ rực. chẳng biết ông ta bỏ thêm vào đó cái gì mà thơm không thể tưởng, sực nức mọi nhà.

Khi tôi học tiểu học những ngày cuối tuần thỉnh thoảng đươc cha tôi dẫn đi chơi xa. Thủ Thiêm khi đó rặt một màu xanh dừa nước, những khu vườn Bà Điểm ngai ngái hương cau nhưng tôi thích nhất là những ruộng hoa lài đang nở. Những thân lài phủ đầy hoa trắng trông như những đám bông gòn phủ trên mặt đất, không gian trĩu một mùi hương hoa lài, đến khi về tới nhà tưởng như mùi hương vẫn còn vương trên tóc, như những ngày rằm theo mẹ lên chùa áo đầy mùi nhang trầm. Không biết những mảnh vườn trắng hoa lài giờ có con không hay chỉ còn cái tên Vườn Lài trên bản đồ thành phố.

Những mùi hương thời thơ ấu đó, tôi đã quên bẵng đi một thời gian rất lâu. Mà nhớ cũng khó khi mỗi lúc ra đường nếu không chui vào taxi hay xe hơi thì lại bịt khẩu trang kín mít. Và trong nhịp sống hối hả của một thành phố đang phát triển mỗi phút mỗi giờ, 24 tiếng đồng hồ luôn chừng qúa ngắn để người ta có thể phung phí cho một mùi hương. Nhưng đến một chiều, ở một nơi rất xa thành phố, tự nhiên tôi thấy thiếu thiếu một cái gì...

Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam có một câu kết thật hay “mỗi mùa nàng lại cài một đóa hoàng lan trên mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”. Tôi tin nàng sẽ còn vương vấn mãi mùi hương đó, dù đến một ngày, có thể không còn cây hoàng lan. Và nếu không có mùi hương nào để nhớ, chắc nàng sẽ còn buồn hơn nhiều, rất nhiều...

Quế Viên
Đan Mạch, mùa đông 2007

(Tuổi trẻ - Văn Hóa –Giải trí
Thứ Ba, 05/02/2008)
Kinh Tà Bang của mỗi người

Kinh Tà Bang là tên một truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc mà tôi đã đọc từ rất lâu, dễ đến 40 năm trước, cũng chẳng hiểu vì sao vẫn còn nhớ được tới giờ này.

Trong truyện có một chị từ thôn quê lên thị xã giúp việc cho một gia đình nọ. Nhớ nhà, chị ta cứ nói mãi về một ngôi làng hẻo lánh có cái tên nửa Việt nửa Khơme là “Kinh Tà Bang”. Mà quê chị nào có đẹp đẽ, sung sướng gì cho cam, đến trâu bò cũng phải ngủ trong mùng để khỏi bị bầy muỗi chích. Đại loại toàn những chuyện như thế, tới nỗi người nghe phải kêu lên “ứ hự, nghe mà bắt mệt!”.

Cô em họ tôi sống ở nước ngoài đã lâu. Khi hai vợ chồng về Việt Nam chơi, anh chồng nhất định dẫn vợ về quê ngoại mãi tận Hải Dương để chỉ cho xem cái ao trong vườn nhà bà ngoại, nơi thuở nhỏ anh hay xuống tập bơi. Từng được nghe chồng tả “nước trong vắt, gió thoang thoảng mùi hương sen”, cô vợ ngạc nhiên khi nhìn thấy một cái ao bé tí nước đục ngầu, lá sen tàn đen thui, suýt nữa thì kêu lên “sao bẩn thế!”, chợt nhìn thấy mắt chồng mình rưng rưng. Thì ra cái ao đâu chỉ đơn giản là một cái ao.

Trước Tết Bính Tuất, tôi tình cờ trông thấy ở khu chợ chuyên doanh cây cảnh Tehran một cây quất (tắc). Ông chủ hàng nói cây quất này do một bà người Nhật dặn tìm đã lâu nhưng chẳng biết sao đợi mãi không thấy đến lấy. Người mua đã mừng mà người bán cũng mừng vì chẳng biết làm gì với cái cây cao chưa đầy hai gang tay, có đúng ba quả xanh ngắt bé tí tẹo. Tôi đem về chăm sóc cẩn thận, cây quất xanh tốt hơn một chút. Trước khi rời Tehran, tôi đem đến tặng Đại sứ quán Việt Nam tại đây. Ít lâu sau chị Noãn, Đại Biện Đại Sứ Quán, vui vẻ báo cho biết cây quất đã nảy nhiều lộc mới, Tết Đinh Hợi thế nào cũng ra nhiều quả.

Mấy hôm nay tôi cũng đang đến các trại ươm cây tại Đan Mạch để tìm một cây quất đẹp. Khi không có mai, đào thì một chậu quất cũng mang lại hình ảnh của cái tết quê hương. Ông hàng xóm của gia đình tôi từng đi nhiều nơi nhưng chưa đến Đông Dương bao giờ nên hay hỏi về Việt Nam. Hôm qua ông bảo tôi “cứ nghe chị nói thì Việt Nam là nơi tốt nhất thế giới”. Tôi cãi là nào tôi có nói thế, xứ tôi còn biết bao nhiêu khó khăn, ông ta cười “ngay khi nghe chị nói về những khó khăn của quê mình, tôi cũng cảm thấy đối với chị đó là nơi tốt đẹp nhất”.

QUẾ VIÊN
23 Tết Mậu Tý
Tuổi trẻ - Văn học
Thứ Tư, 14/02/2007, 06:42 (GMT+7)

Tuesday, December 30, 2008

Nghĩ về những chân dung thành phố

Cô bạn tôi từ Úc về thăm nhà nhân mùa nghỉ Giáng sinh, than là Sài Gòn sao bây giờ đông đúc, ồn ào, bụi bặm và ô nhiễm quá, không biết người và xe cộ từ đâu ra mà nhiều đến thấy chóng mặt.

Một cô bạn nhỏ đang học cao học tại Pháp thì lại kêu Noel ở Paris thật chán, trời nắng chang chang, phố xá vắng ngắt như sáng mồng một Tết bên nhà vì người ta đi nghỉ đâu hết cả, chỉ còn lại mấy ông bà già ngồi gật gù sưởi nắng trước cửa như mấy chú mèo lười, nên chỉ mong vài tuần nữa thi xong để bay về Việt Nam.

Sài Gòn - thành phố mũ bảo hiểm

Có thể trong trí nhớ của cô bạn tôi, Sài Gòn vẫn là một thành phố bốn triệu dân với những con đường rợp bóng me xanh và những cô gái - dù đạp xe đạp hay ngồi thẳng lưng trên PC hay vélo solex thì vẫn chung nét thong dong nhàn nhã. Còn với một người trưởng thành thời kỳ sau mở cửa, thành phố lại có một chân dung hoàn toàn khác.
Tạp chí National Geographic trong một bài viết về Sài Gòn vào thập niên 1960, có đăng tấm ảnh một nữ sinh áo dài trắng, đội nón lá, đi xe đạp, hai vạt áo dài lộng gió trông như một con chuồn chuồn trắng tinh khôi. Hình ảnh ấy nay đã bớt đi tính lãng mạn khi các cô gái mang khẩu trang che kín mặt lúc ra đường, còn thêm cái mũ bảo hiểm trên đầu nếu đi xe máy.

Chỉ cách đây vài năm, công ty đa quốc gia nơi tôi làm việc quy định hễ ai vi phạm quy chế đội mũ bảo hiểm do công ty cấp ba lần sẽ bị ngưng hợp đồng lao động. Giờ thì ai ai ngồi trên xe cũng đội mũ, nghe nói người ta còn đốt mũ giấy gửi cho ông bà dưới âm ty, chấp hành tốt đến thế là cùng! Người Sài Gòn vốn sáng tạo và năng động, sau dịch vụ vẽ hoa lá rồi đây sẽ đến chuyện quảng cáo trên mũ bảo hiểm hay như đến SEA Games 2009, thế nào cũng thấy mũ dán quốc kỳ và khẩu hiệu “Việt Nam quyết thắng” chạy đầy đường.

Sài Gòn - vắng bóng xích lô

Ngày còn nhỏ, tôi rất thích thú mỗi khi được thấy những chuyến thổ mộ chất đầy hoa huệ, vạn thọ, điệp cúng, bông trang… lọc cọc trên đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng 8 bây giờ), đưa hoa tươi từ ngoại ô đến chợ Bến Thành, chợ Cầu Ông Lãnh. Giờ chỉ còn phiên bản của chiếc xe thổ mộ đầy hoa ấy trong khu du lịch Bình Quới, không như tại Amsterdam hay Copenhagen, ngày ngày vẫn có những cỗ xe tứ mã kiểu xưa chở các thùng gỗ chứa bia Heineken, Carlsberg diễu qua các con đường lớn.
Không hiểu vì sao những người có trách nhiệm chỉ nghĩ đến chuyện cấm xích lô, ba gác vì những lý do như giảm mỹ quan, cản trở lưu thông… mà không tìm một cách giải quyết khác, như giúp chúng trở nên đẹp hơn, tốt hơn hay sắp xếp lại việc lưu thông để vừa giải quyết được nhu cầu sinh sống lẫn chuyên chở của một bộ phận không nhỏ dân cư, vừa giữ được một nét độc đáo cho thành phố vốn dĩ chẳng có nhiều thứ cho người ta xem và nhớ.

Bangkok cũng nhiều xe cộ và có mật độ dân cư cao chẳng kém Sài Gòn nhưng xe tuktuk vẫn được lưu hành như một đặc điểm của nơi đây, cũng như ai đã cất công tới Venice thì nhất định phải ngồi gondola một lần hoặc đến London thì phải ngất nghểu trên xe buýt hai tầng dù gió lạnh thổi rát mặt. Copenhagen cổ kính cũng có tour dạo phố trên Christiana bike - loại xe thô sơ của những cư dân “xóm liều” Christiana, nửa giống xích lô, nửa giống xe ba gác, như để cổ xúy cho một phương tiện vận chuyển không gây ô nhiễm môi trường.

Sài Gòn - không hàng rong

Đối với tôi, tập ảnh Bikes of burden (tạm dịch “những chuyến xe máy thồ”) của Hans Kemp, in năm 2003, không chỉ là ảnh chụp những chiếc xe máy chuyên chở tất cả những gì có thể chất lên, từ heo, gà, vịt cho tới tủ lạnh, tivi, máy lạnh, sắt thép… trên các nẻo đường thành thị lẫn nông thôn, mà còn là một phóng sự sinh động về sự năng động, cần cù lẫn sáng tạo của người Việt Nam qua cái nhìn của một người nước ngoài. Không biết mai này những chuyến xe máy thồ độc đáo ấy có phải chịu chung số phận với những loại xe thô sơ, những gánh hàng rong vì lý do mỹ quan thành phố?

Những chiếc xe ba gác chở thuê, những gánh ve chai quảy khắp hang cùng ngõ hẻm, trông quả không mấy văn minh, nhưng với du khách thì hình ảnh những chiếc xích lô, ba gác đơn sơ tại Sài Gòn hay những phụ nữ đội nón lá quảy hàng rong trên đường phố Hà Nội, chẳng những không xấu mà còn hấp dẫn, vì rất đặc biệt Việt Nam, do vậy (trong mắt họ) hấp dẫn hơn các khách sạn, nhà hàng lộng lẫy, và chân thực hơn những ngôi “làng văn hóa”, những lễ hội ồn ào bị nhuốm màu thương mại hóa.

Thế nên bên cạnh Phố Đông của cao ốc và đường cao tốc, vẫn có một Thượng Hải xưa với đủ loại xe cộ ngược xuôi trên những con đường chật hẹp, những khu phố hàng hóa tràn lan trên vỉa hè, người qua lại chen vai trong không khí thơm mùi thuốc bắc, mùi nhang trầm, mùi há cảo vừa hấp, mùi trà lài trà cúc mới pha, và trong ồn ào tiếng nói cười, vẫn thoáng nghe tiếng đàn nhị réo rắt vẳng ra từ một trà lầu nào đó. Đó cũng là Thượng Hải mà nhiều người muốn đến và trở lại.

Sài Gòn và văn minh thành phố

Dường như thành phố chúng ta quá bận rộn với những chuyện kẹt xe, ngập nước, người bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường… mà quên đi một chuyện là chân dung thành phố trong mắt người từ phương xa tới không chỉ có đường và xe.

Chị tôi thuật chuyện Tết Đinh Hợi tình cờ (bị) chứng kiến cảnh một số thanh niên nam nữ ăn mặc bảnh bao xông vào cướp hoa của người bán tại chợ hoa cuối năm. Cũng như những người qua đường khác, chị tôi vừa phẫn nộ, vừa thương những người bán hoa tảo tần, vừa xấu hổ khi thấy các du khách dừng lại quay phim, chụp ảnh! Chẳng hiểu họ nghĩ sao nếu trước đó đã đọc thấy những lời ca ngợi người Việt là chăm chỉ, tốt bụng, hiền hòa... trên cẩm nang du lịch uy tín Lonely Planet?

Thành phố Sài Gòn như một cô gái đẹp, không thể cứ mặc mãi một cái áo mà phải thay đổi cho hợp thời trang. Nhưng một cô gái chỉ đẹp vì thời trang thôi chưa đủ, người khó tính còn đòi hỏi cô có tâm hồn nữa. Thiết nghĩ, việc xây dựng và gìn giữ một nếp sống văn minh còn bức thiết hơn chuyện dẹp bỏ xe thô sơ hay những gánh hàng rong, vì dân cư chính là đôi mắt - cửa sổ tâm hồn của bức chân dung thành phố.


QUẾ VIÊN
(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần -Xuân Mậu Tý)